GIÁ TRỊ CỦA BỨC TRANH
Ngày xưa có một ông họa sĩ và ông muốn truyền nghề cho người học trò của mình. Người học trò rất sung sướng nhận lời thầy. Ông nói: Con hãy vẽ một bức tranh đẹp nhất mang đến đây.
Sau đó người học trò mang tác phẩm của mình đến cho thầy và nói: đây là bức tranh con tâm huyết nhất trong cuộc đời này.
Người thầy nói:
“Con hãy mang bức tranh này đến treo ở trung tâm thành phố, đặt một cây bút chì và ghi rõ: Nếu ai tìm được điểm sai thì hãy đánh dấu chỉ giúp tôi”. Người học trò vui vẻ làm theo lời thầy vì nghĩ rằng bức tranh quá đẹp.
Một tuần sau người học trò nói với thầy :
“Thầy ơi con muốn bỏ cuộc vì bức tranh của con có cả nghìn người đánh dấu”.
Thầy giáo bảo hãy vẽ lại một bức tranh giống hệt như vậy và đặt lại chỗ cũ nhưng lần này hãy ghi dòng chữ : “Nếu bức tranh bị sai thì hãy sửa lại giúp tôi”.
Một tuần sau người học trò đến và nói rằng :
“Thầy ơi lạ thật, sao không có ai sửa cho con cả”.
Bây giờ người thầy mới nói: “Dù việc con làm giá trị đến đâu, nhưng vẫn có hàng triệu người sẵng sàng vạch lá để tìm sâu, để chê bai việc con làm. Nhưng để tìm một người dám dấn thân để hành động thì khó lắm con ạ, vì họ sợ người khác cũng sẽ chê bai họ”.
Con người rất hăng say trong việc tìm ra lỗi sai của người khác, nhưng lại ít khi có đủ lòng tốt để sửa những sai sót đó, và càng ít người dũng cảm để bắt tay vào làm những điều mà họ yêu cầu người ta phải làm.
— ST —